GD&TĐ - Chia sẻ cùng thí sinh chọn thi vào ngành Sư phạm Mầm non, cô Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Đào tạo giáo viên, Trường CĐ Cần Thơ bật mí cách đạt điểm cao trong phần thi năng khiếu.

Sinh viên ngành Sư phạm Mầm non, Trường CĐ Cần Thơ trong giờ học.Sinh viên ngành Sư phạm Mầm non, Trường CĐ Cần Thơ trong giờ học.

Hiểu rõ hình thức và cách thức thi

Theo cô Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Đào tạo giáo viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, môn thi năng khiếu là điều kiện bắt buộc đối với thí sinh mong muốn học ngành Sư phạm Mầm non. Khác với những môn thi khác, các nội dung thi này không có chương trình luyện thi bài bản. Vì vậy mà một số thi sinh khá bối rối và lo lắng.

Theo cô Trường Giang,  khi thi năng khiếu ngành Sư phạm Mầm non, trước tiên thí sinh phải tìm hiểu thông tin, hình thức và cách thức tổ chức thi  của trường đào tạo.  Cầ nắm rõ các yêu cầu cần đạt của từng nội dung thi; luyện tập và lựa chọn tác phẩm dự thi phù hợp, tự tin thể hiện khả năng bản thân, chú ý tác phong sư phạm…

Thường thí sinh tham gia thi năng khiếu ngành Sư phạm Mầm non sẽ thi 3 môn là hát, kể chuyện và đọc diễn cảm. Tùy theo từng trường khác nhau mà các nội dung được thay đổi sao cho phù hợp với yêu cầu đưa ra. Phần thi hát và kể chuyện là bắt buộc với hầu hết các trường tuyển sinh Khối M.Học sinh sẽ có từ 5 - 7 phút để hoàn thành mỗi phần thi của mình. 

Về phần thi năng khiếu âm nhạc, chiếm 4/10 số điểm, học sinh phải thực hiện 2 bài hát tự chọn: 1 ca khúc thiếu nhi, nhi đồng hoặc các bài hát trong chương trình Nhà trẻ - Mẫu giáo và 1 ca khúc thanh thiếu niên, ca khúc học đường, ca khúc quần chúng, ca khúc Cách mạng, dân ca… hoặc bài hát trong chương trình mẫu giáo phần “Cô hát cháu nghe”.

Trong phần thi năng khiếu kể chuyện, học sinh sẽ kể một câu chuyện phù hợp với đối tượng trẻ mầm non và câu chuyện kể này sẽ do thí sinh dự thi tự chuẩn bị, phần này chiếm 3/10 số điểm thi. Khác với kể chuyện, trong phần thi năng khiếu đọc diễn cảm, học sinh phải đọc thành tiếng đoạn văn hoặc văn bản do Hội đồng thi chuẩn bị trước giám khảo và các thí sinh khác trong phòng thi.

Chuẩn bị thật tốt cho nội dung thi

Phong cách lịch sự, trẻ trung, hoạt bát sẽ luôn tạo được ấn tượng tốt với mọi người, cũng như điều này sẽ giúp thí sinh giảm được áp lực và tự tin hơn trong lúc thực hiện các bài thi năng khiếu.

Tác phong của thí sinh khi tham gia thi sẽ rất được giám khảo chú ý. Các em có thể tạo một số ấn tượng tốt với ban giám khảo bằng cách: mỉm cười thật tươi, chào ban giám khảo, giới thiệu về bản thân, giới thiệu bài hát hoặc câu chuyện mình sẽ dự thi. Kết thúc phần thi thí sinh cũng nên chào và cảm ơn giám khảo.

Cô Giang lưu ý thí sinh: Khi thi đừng quá hồi hộp hay lo lắng. Nên nhớ, tự tin vào bản thân sẽ giúp bạn có cơ hội tốt thể hiện bài thi của mình. Ngoài ra, thí sinh cần tìm hiểu các yêu cầu cần đạt của từng nội dung thi để có phần chuẩn bị thật tốt.

 

Cô Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Đào tạo giáo viên, Trường CĐ Cần Thơ.

 

Phần thi âm nhạc, yêu cầu học sinh nhận biết được và phân biệt được một số thể loại ca khúc. Mặc dù không yêu cầu học sinh phải có giọng hát hay, nhưng khi hát cần biết hòa giọng vào tiếng đàn hoặc phần nhạc đệm.

Các em cũng lưu ý, khi dự thi thì sau phần giới thiệu tên bài hát, giám khảo sẽ dạo đàn, thí sinh phải cảm âm, cảm nhịp để hát đúng theo giọng đàn và nhịp độ của giám khảo dạo đàn. Ngoài ra, thí sinh khi biểu diễn bài hát phải phát âm rõ lời, tròn tiếng, phát âm chuẩn và thể hiện được sắc thái, tình cảm của bài hát.

Trong phần thi kể chuyện, yêu cầu học sinh phải lựa chọn câu chuyện phù hợp với đối tượng trẻ mầm non và nghiên cứu tác phẩm để xác định cách kể phù hợp. Bên cạnh đó, sắc thái giọng kể phải phù hợp với nội dung câu chuyện để thuyết phục người nghe. Đặc biệt, khi kể chuyện, thí sinh cần lưu ý âm lượng đủ nghe, ngữ điệu kể phải phù hợp với nội dung, tình tiết, tính cách nhân vật, biết kết hợp điệu bộ, cử chỉ, tranh ảnh… hỗ trợ lời kể. 

 

Cô Nguyễn Thị Trường Giang cùng sinh viên ngành Sư phạm Mầm non Trường CĐ Cần Thơ.

Với phần thi đọc diễn cảm, thí sinh cần nhận biết và phân biệt văn bản thuộc các loại phong cách ngôn ngữ khác nhau: hành chính, khoa học, chính luận, nghệ thuật... để thể hiện cách đọc cho phù hợp và phát âm chính xác, đọc phải rõ ràng, đầy đủ thông tin cơ bản;  Đồng thời ngừng nghỉ đúng chỗ, hợp lí và thể hiện được cảm nhận đối với nội dung văn bản.

Luyện tập kĩ không bao giờ thừa

Thí sinh khi thi môn năng khiếu nên cẩn thận lựa chọn những chủ đề phù hợp với bản thân mình và theo yêu cầu của đề thi như ca khúc thiếu nhi, nhi đồng, ca khúc thanh thiếu niên, ca khúc học đường, ca khúc quần chúng, ca khúc cách mạng, dân ca…

Thí sinh cần để ý kỹ nội dung bài hát cho phần thi năng khiếu âm nhạc; Tránh luyện tập nhầm phải những chủ đề không được phép dự thi; Nên luyện tập trước nhiều lần ở nhà.

Đối với kể chuyện, học sinh nên lựa chọn những câu chuyện có độ dài vừa phải, phù hợp với đối tượng trẻ mầm non như các truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích...

Đồ họa: An Nhiên

Đặc biệt cần chọn câu chuyện có sự thay đổi ngữ điệu giọng (của các nhân vật trong truyện). Để thực hiện tốt bài thi này thí sinh nên luyện tập đọc trước nhiều lần ở nhà. Các em có thể có thể đứng trước gương hoặc nhờ người thân ngồi nghe khi mình kể chuyện để có thể góp ý và chỉnh sửa. Cách là này sẽ giúp bạn bớt bị căng thẳng hay hồi hộp khi đứng nói trước đám đông.

Ngoài ra, học sinh cần luyện tập thói quen đọc thầm (đọc bằng mắt) một vài lần văn bản trước khi đọc diễn cảm văn bản. Cố gắng luyện nói tránh các lỗi phát âm từ địa phương và cần luyện tập thêm về cách đọc các thể loại văn bản, lưu ý  tốc độ đọc, cường độ đọc.

Cũng không nên luyện tập quá sức trước hôm thi vì điều này sẽ khiến bạn mất giọng ảnh hưởng nhiều tới kết quả. Trước hôm thi thí sinh nên nghỉ tập để có sức khỏe và tinh thần thoải mái nhất.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại